Năm 2013, thời điểm Myanmar mở cửa cho khách quốc tế ghé thăm vẫn chưa có nhiều người Việt Nam đến du lịch, nên tôi quyết định đặt chân đến nơi có rất ít thông tin để khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ.
Tiền Myanmar tính bằng độ dày cm
Trước khi đến Myanmar, tôi hình dung sân bay cũ kỹ như ở Việt Nam 20 năm trước. Song khi xuống sân bay quốc tế Yangon, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sân bay nhỏ nhưng sạch đẹp, hiện đại với những bức tường ốp kính sáng choang, thảm lót sàn trải dài sang trọng và hệ thống máy lạnh cực kỳ tốt. Đất nước của những ngôi đền, chùa cổ chào đón tôi bằng dòng chữ “Welcome to Myanmar” in trên dải băng rôn lớn treo gần khu vực nhập cảnh.
Hoàn thành thủ tục, tôi ra quầy thu đổi ngoại tệ của ngân hàng Myanmar để đổi từ USD sang Kyats (tiền tệ Myanmar). Tỷ giá ngoại tệ ở sân bay thay đổi liên tục mỗi 10 phút. Tùy thời điểm, 100 USD đổi được khoảng 90.000 Kyats. Khi nhận tiền từ nhân viên ngân hàng, tôi bị sốc trước xấp tiền Kyats dày 4 cm. Cô nhân viên bảo tôi kiểm lại số lượng trước khi rời quầy song tôi vô cùng bối rối không biết nên kiểm đếm thế nào, bởi tờ tiền in chi chít hoa văn, chữ số địa phương. Hơn nữa, tờ tiền có kích thước to bản và dày, lại cũ nát, rất khó cho cất vừa trong bóp, nên tôi đành đựng cọc tiền trong cái bì thư to bằng nửa tờ giấy A4.
Công nghệ là thứ xa xỉ
Từ phía sảnh chờ sân bay, người dân Myanmar đứng đông nghịt, trông ngóng người thân từ nước ngoài. Khung cảnh quá đỗi quen thuộc, giống hệt Sài Gòn của 20 năm về trước, mỗi khi có người thân từ phương xa về, cả đại gia đình ra sân bay chờ đón, tay bắt mặt mừng sau nhiều năm xa cách. Bởi lẽ đất nước Myanmar từ khi bị cấm vận, không phải người địa phương nào cũng may mắn được cấp hộ chiếu. Do đó, việc đi nước ngoài và trở về nước là điều xa xỉ và lớn lao.
Ở Myanmar, điện thoại di động và sim điện thoại là những thứ cực đắt. Mua sim điện thoại tốn 1.000 USD và phải trình giấy tờ vô cùng phức tạp. Mạng Internet cũng đắt không kém, mà tốc độ cực chậm. Các khách sạn và tiệm Internet công cộng có thể tính cước phí từ 2-7 USD cho một tiếng truy cập. Đến đất nước này, tôi tập thay đổi thói quen không dùng điện thoại để tiết kiệm chi phí phát sinh không cần thiết.
Ôtô 30 năm vẫn chạy tốt
Những chiếc ôtô mang kiểu dáng cũ với tuổi đời 30 năm, nước sơn bong tróc, ghế nệm chai cứng và máy lạnh trong xe chỉ để làm cảnh chứ không còn sử dụng được. Nói thành phố Yangon chỉ có toàn xe hơi xuống cấp trầm trọng thì không chính xác. Yangon cũng có những chiếc xe hơi máy điều hòa, nhưng kiếm được chúng không dễ.
Dù vô lăng xe thuận hay nghịch, tất cả các phương tiện xe cộ đều lưu thông trật tự, đúng làn đường bên phải, không có cảnh chen lấn và bấm còi inh ỏi dù tốc độ chạy trên phố rất cao. Myanmar tuy còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng thành phố Yangon có quy định cấm xe máy lưu thông trên đường. Vì lẽ đó, phương tiện chủ yếu ở Yangon là xe bốn bánh.
Thỉnh thoảng tôi ồ lên ngạc nhiên khi thấy chiếc xe lam chạy vụt qua chở đầy ních người. Không chỉ có người ngồi chật kín trong cabin xe mà phía sau đuôi xe còn có 4, 5 người bám vào thanh vịn và đứng chênh vênh. Có chiếc người dân ngồi cả trên mui xe, bởi người dân lao động có thu nhập thấp đành phải chọn cách di chuyển ít tốn kém như thế.
Đàn ông quấn váy, nhai trầu
Về quốc phục của người Myanmar, đàn ông và phụ nữ có chung kiểu trang phục longyi – một mảnh vải lớn, giống chiếc xà rông dùng để quấn quanh người từ ngang eo phủ xuống tới mắt cá chân. Tuy cả nam lẫn nữ mặc váy nhưng cách quấn longyi của hai phái khác nhau. Đàn ông buộc longyi thành một búi ở trước bụng. Đôi lúc đang đi trên đường, các anh đột nhiên dừng lại, mở váy ra chỉnh trang và cột lại vì sợ bị tuột váy. Phụ nữ mặc longyi hoa văn, màu sắc đa dạng và đẹp hơn.
Tại các nước hiện đại, thanh niên thường nhai kẹo cao su để giải trí hoặc tỉnh táo khi điều khiển phương tiện giao thông. Riêng ở Myanmar, đàn ông nhai trầu suốt ngày. Mỗi khi xe dừng đèn đỏ, các bác tài xế mở cửa xe và phun nước trầu xuống đường. Khi đi trên vỉa hè hoặc tiện đâu thì họ nhổ đấy. Trên khắp các vỉa hè, lòng lề đường Yangon nơi đâu cũng loang lổ các mảng nước bã trầu màu nâu đỏ đã khô.
Lấp lánh biểu tượng vàng Shwedagon
Sau nửa tiếng xe bon bon trên đường từ sân bay và dừng trước cổng chùa Shwedagon – kiệt tác kiến trúc của Yangon vàng rực rỡ trên đỉnh đồi Singuttara, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người dân trên mọi miền đất nước Myanmar đều mơ ước được một lần hành hương tới ngôi chùa linh thiêng có tuổi đời 2.500 năm. Tháp vàng Shwedagon được ốp hàng nghìn tấm vàng ròng. Đỉnh tháp được gắn 5.448 viên kim cương, 2.317 viên hồng ngọc… Đáng chú ý nhất, trên đỉnh tháp cao chót vót rực sáng bởi viên kim cương 76 carat. Theo ước tính, ngôi chùa được dát tổng khối lượng vàng tới 90 tấn.
Để bày tỏ lòng thành kính trước khi bước vào trong chùa ở Myanmar, các tín đồ Phật giáo và khách du lịch phải tháo giày dép và vớ (tất), chỉ được đi chân đất vào viếng Phật. Tôi cho giày vào túi nilon chuẩn bị sẵn từ Việt Nam và xách theo, vì chùa Shwedagon rộng lớn, khi vào cổng này song khi ra bằng cổng khác, tham quan xong tôi sẽ đỡ mất thời gian vòng lại lấy giày. Giữa trưa nắng, trời nóng làm cho nền đất nóng theo. Tôi vác balô, đi chân trần rong ruổi khắp sân chùa, hai chân rộp lên bỏng rát.
Người dân Myanmar đi hành hương rất đông vào buổi chiều. Họ mặc trang phục truyền thống, đầu đội những mâm đồ cúng và đi thành từng đoàn già trẻ lớn bé. Gần đó là hai nhóm thanh niên xếp hàng ngang, tay cầm chổi, vừa đi vừa quét sân chùa theo khẩu lệnh của một người dẫn đầu. Một lúc sau, có con rắn lục bò quanh, tôi và mọi người hoảng sợ chạy tán loạn. Một chị địa phương nhắn nhủ với tôi, thấy rắn lục ở chùa Shwedagon là gặp điềm may mắn.
Tôi rời chùa Shwedagon khi ráng chiều phủ khắp ngôi chùa và ra bến xe Aung Mingalar khởi hành đến địa danh tuyệt đẹp khác trong đất nước Myanmar.
Kỷ niệm 12 tiếng sống chậm khi du lịch Yangon
Reviewed by Unknown
on
22:22:00
Rating:
Không có nhận xét nào: