Trong thời buổi kinh tế thị trường như ngày nay, thì cụm từ ‘cải cách mở cửa’ quá quen thuộc với người dân Việt Nam và kể cả hơn một tỷ dân Trung Quốc nhưng với người Myanmar, đó là một cụm từ còn xa lạ với người dân và có lẽ đang nằm trên bàn đắn đo của các nhà hoạch định chính sách quốc gia. Có lẽ vì vậy màMyanmar còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống một cách nguyên vẹn nhất.
Có thể nói rằng Myanmar hiện nay vẫn còn bảo lưu được những giá trị uyên nguyên của cha ông để lại trong đó có Phật giáo. Được mệnh danh là đất nước chùa vàng với hơn 90% dân số là Phật tử, Phật giáo (Nguyên Thủy) cho đến nay vẫn được xem như là quốc giáo (tuy không được công nhận chính thức bằng hiến pháp) và có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống nhân dân, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục và kể cả an ninh quốc phòng. Lễ hội của người Myanmar luôn gắn liền với Phật giáo.
Nếu bạn có một chuyến du lịch Myanmar thì đừng bao giờ bỏ lõ những lễ hội nới đây nhé, bởi đất nước này là đất nước của những lễ hội, quanh năm là lễ hội và cầu nguyện.
Một trong những lễ hội đặc trưng và quan trọng nhất của người Myanmar, đó là lễ hội Thingyan – lễ hội đón mừng năm mới hay còn gọi là lễ té nước, một sự kiện quan trọng và đầy ý nghĩa mà cũng mang đậm màu sắc văn hóa Phật giáo.
Lễ hội rơi vào tuần thứ hai của tháng tư hàng năm và kéo dài ba hoặc bốn ngày. Người Myanmar trên khắp mọi miền đất nước tổ chức lễ hội bằng cách tạt nước lên người khác. Nó có ý nghĩa rửa sạch những dơ bẩn đã tích tụ trong suốt một năm qua và đón chào năm mới với sự thanh khiết của thân và tâm.
Từ thời Bagan (là lúc Myanmar được thống nhất lần thứ I bởi vua Anawhata (1047-1077)), lễ hội té nước đã rất phổ biến trong dân gian và hàng quý tộc vua chúa cũng tham gia vào lễ hội. Ngày xưa, người Myanmar dùng nhánh lá hồng táo nhúng vào nước thơm đựng trong bát đồng hoặc bát bạc và rưới lên người khác vì lá hồng táo là biểu tượng của phước đức và an lành và sẽ mang lại phước lộc cho cả người rắc nước và người được rắc.
Ngày giờ và thời gian cho việc khai mạc lễ hội được tính toán một cách kỹ lưỡng bởi các nhà chiêm tinh.
Thingyan là một lễ hội thuần túy thế tục và không được đề cập đến trong kinh điển Phật giáo nhưng người dân Myanmar tổ chức lễ Thingyan lồng ghép với nghi thức Phật giáo nên mặc dù ‘ăn chơi’ trong lễ hội té nước nhưng họ cũng không quên tổ chức lễ hội trong không trí trang nghiêm.
Ngày xưa, trong đêm giao thừa, mọi người chuẩn bị nước thơm được nấu từ các loại hoa, lá khác nhau bỏ vào trong bát hoặc chum nước và đặt trước nhà trong suốt thời gian lễ hội. Mỗi ngày là một loại nước nấu bằng một loại lá khác nhau. Ngày nay, người ta dùng những vòi nước máy xịt bay tung tóe. Những người đi đường đều được xịt ướt đẫm, mọi chuyện buồn phiền không vui và những bụi bẩn của năm cũ sẽ không còn và năm mới sẽ được đón nhận bằng sự thanh tịnh của thân và tâm
Năm mới là một dịp làm phước quan trọng của người Myanmar. Cán bộ nhà nước thường hiếm có dịp nghỉ lễ liện tục mấy ngày liên tiếp nên nhân dịp năm mới họ thường tranh thủ đi chùa và làm việc phước thiện. Những ngày tết các trung tâm thiền của Myanmar đông ghẹt người vào để tu thiền và làm phước. Già, trẻ, nam, nữ đều cùng nhau đi chùa. Phật tử Myanmar có phong tục rất hay trong ngày tết. Con cháu trở về thăm ông bà, chúc tết, chúc thọ, tắm rửa, gội đầu, cắt móng tay…người lớn thì khuyên dạy con cháu và cho quà, chúc phúc. Đặc biệt, ngày tết họ thường thỉnh chư Tăng về nhà để thuyết giảng, truyền giới bát quan trai (mặc dầu không nhằm ngày trai giới) và cúng dường trai phạn. Lớp trẻ tuy vui chơi lễ hội ngoài đường nhưng cũng không quên tu bồi phước thiện. Trong tinh thần đó, người dân Myanmar đón năm mới rất an vui theo tinh thần Phật giáo.
Có thể nói những lễ hội tại Myanmar luôn chứa đựng những giá trị nhân văn và ý nghĩa rất lớn đối với người dân và đất nước Myanmar.
Văn Hóa Lễ Hội Tại Myanmar Lễ Hội ThingYan – Văn Hóa Đón Năm Mới Độc Đáo Của Myanmar
Reviewed by Unknown
on
22:24:00
Rating:
Không có nhận xét nào: